Lời ăn tiếng nói của người mẹ có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm, cuộc đời cũng như tính cách của con trẻ, thể hiện trí huệ và cốt cách làm người.
Nếu như thái độ và lời nói của người mẹ là bao dung, là cởi mởi thân thiện, thì điều truyền lại cho con cái chính là sự tin tưởng và niềm tin vô hạn.
Nếu như thái độ và lời nói của người mẹ là đả kích, áp chế, thì sẽ truyền lại cho con cái cảm giác bi quan, hoài nghi, từ đó, khó có thể mà thành công cho được.
Lời nói của mẹ, quyết định cuộc đời con trẻ
Cổ nhân có câu: ‘Một lời nói thiện ấm ba đông, một lời ác ý lạnh sáu tháng ròng’.
Cha mẹ, đừng nên xem nhẹ những lời nói tưởng chừng như đơn giản, nhưng chúng sẽ có thể mang đến những ấn tượng không thể xóa nhòa đối với sự trưởng thành của con trẻ. Những lời nói làm tổn thương trẻ, như những vết sẹo in hằn trong tim, khiến trái tim trẻ rỉ máu, lâu ngày sẽ trở thành vết thương khó lành.
Lời nói mà người mẹ nói ra với trẻ, thực sự quan trọng biết nhường nào! Một lời nói của mẹ thốt ra, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách cũng như cuộc sống của trẻ.
Lời nói của người mẹ chứa đầy oán hận, đứa con nghe lọt vào tai, nhìn bằng mắt, sẽ khiến thế giới của chúng trở nên u ám, không có khoảng mây xanh.
Lời nói của người mẹ ấm áp, điềm tĩnh và dịu dàng, đứa trẻ cũng trở nên ‘mưa dầm thấm lâu’, sẽ khiến chúng trưởng thành dưới sự ảnh hưởng bởi tính cách tốt đẹp của người mẹ, cử chỉ sẽ trở nên khoan thai và khoan dung hơn.
Phương thức lời nói, quyết định ‘sự tiến xa’ của cuộc đời đứa trẻ
Tôi vô tình xem được một đoạn video nhỏ, được quay ở Đài Loan, tuy chỉ vỏn vẹn một phút ngắn ngủi nhưng nó thực sự đã chạm đến trái tim tôi.
Video đã sử dụng một cách đặc biệt thông minh, khiến chúng ta cảm thấy tầm quan trọng của cách cha mẹ nói đối với con cái của họ.
“Đấy mày xem, mày chẳng so nổi với con nhà người ta, không ai vô dụng như mày“.
Nhưng, cũng với những từ trên, nhưng nếu diễn đạt theo cách khác, chúng ta sẽ thấy có hiệu quả khác:
“Không ai trên thế giới này giống như con, không ai có thể so sánh được với con, bởi vì con là đặc biệt, là duy nhất“.
Chỉ cần điều chỉnh thứ tự các chữ trong một câu nói, sẽ làm cho câu văn ý nghĩa, ấm áp hơn rất nhiều.
Với từ ngữ tương tự, cách diễn dạt thứ hai không chỉ khiến trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, mà còn cho trẻ nhìn thấy vai trò cũng như vị trí của mình trong bầu không khí yêu thương gia đình.
Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn nói với con: “Câu hỏi này con hỏi bao nhiêu lần rồi, con thật là ngu ngốc“, nếu như con bạn nghe những lời thế này, chúng sẽ cảm thấy như thế nào?
Chúng chắc chắn sẽ cảm thấy bản thân vô dụng, kém cỏi và tự ti khi cha mẹ trách cứ chúng bằng những câu nói như vậy.
Nhưng nếu như câu nói này trở thành: “Con không hề ngốc, câu hỏi này cần phải hỏi nhiều lần mới có thể thành thục”. Bạn sẽ thấy có kết quả bất ngờ. Lập tức có thể khiến đứa trẻ cảm nhận được sự chân thành và thiện ý của mẹ. Đồng thời, khiến chúng cảm thấy như được an ủi và được chính cha mẹ khẳng định.
Mối quan hệ gia đình tốt là khi, người bố quản ‘trí óc’, là người làm chủ và quyết định những việc trọng đại trong gia đình, người mẹ quản ‘tâm’, khiến cho không khí gia đình trở nên ấm áp và hạnh phúc.
Trong tâm lý học có hiệu ứng, được gọi là: Hành vi của một cá nhân, có thể chịu nhận ảnh hưởng bởi những người khác, đặc biệt là những nhân vật có quyền uy.
Khi con trẻ nhận được sự khen thưởng, tán dương và tín nhiệm từ cha mẹ, chúng sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực, từ đó cố gắng hết sức để đạt được sự kì vọng của cha mẹ, những người gần gũi và tin tưởng chúng nhất.
Lời nói dễ nghe, là tu dưỡng cả đời của mẹ
Khi nhìn thấy một mẫu tin như thế này, tôi cảm thấy thật nhói lòng. Một đứa trẻ đi tàu điện ngầm, đột nhiên lạc mẹ. Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, đứa trẻ và mẹ cuối cùng cũng được gặp nhau.
Lúc ấy, mọi người xung quanh cứ ngỡ rằng, sau khi đứa trẻ và người mẹ gặp lại nhau, sẽ là một cảnh tượng ấm áp, tuy nhiên, ngay giây phút người mẹ nhìn thấy đứa con của mình, bà đã không ngừng la mắng đứa con bất cẩn và không chú ý. Sau cuộc đoàn tụ, đứa con còn chưa kịp vui vẻ và hạnh phúc khi vừa tìm thấy mẹ, thì liền bị mẹ cho một ‘chậu nước lạnh’ vào mặt.
Những tưởng rằng, giây phút nhìn thấy mẹ, đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc và an toàn, nhưng lời nói đó, thái độ đó của người mẹ, khiến đứa trẻ trở nên lo sợ, cảm giác bất an.
Bạn có cảm thấy quen với cảnh tượng đó không: Khi con trẻ phạm lỗi, người mẹ sẽ dùng những lời nói vô cùng khó nghe để phê bình đứa con. Khi con trẻ không làm tốt một việc, người mẹ sẽ cố gắng dùng ngôn ngữ tiêu cực nhất để kìm hãm sự tự tin, lòng tự tôn của trẻ.
Dù là truyền cho đứa trẻ năng lượng tích cực hay là năng lượng tiêu cực, thì một lời nói của người mẹ có thể trực tiếp ảnh hưởng đến con cái, thậm chí là tính cách lẫn cuộc đời của chúng.
Một người mẹ đi đến trường đón đứa con trở về nhà, đứa con vui vẻ khoe kết quả kì thi giữa kì với mẹ. Nó vui vẻ háo hức khoe với mẹ, nói: “Con được 91 điểm”, sắc mặt của người mẹ cũng đột nhiên biến sắc, bèn hỏi: “Tại sao con không đạt được 100 điểm? Con học hành như thế nào đấy?”
Người con nhìn thấy vẻ mặt bất mãn và không hài lòng của người mẹ, bèn cúi đầu xuống, sợ sệt nói: “Vậy thì lần sau con sẽ cố gắng thi đạt 100 điểm là được rồi”.
Trong một cuộc khảo sát cho thấy, 25,7% trẻ ‘tự ti’, 22,1% trẻ ‘lạnh lùng’, 56,5% trẻ dễ cáu bẩn và nóng nảy, một nguyên nhân căn bản tạo thành, phần lớn là do những đứa trẻ này sống trong môi trường ‘ngược đãi ngôn ngữ’, xuất phát từ cha mẹ của chúng.
‘Miệng’ của người mẹ, là phong thủy của cuộc đời con
Có đôi khi, lời nói ‘không khéo’ của người mẹ, sẽ có thể để lại những vết sẹo vô hình trong lòng con cái, vết thương này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể lành lại được.
Mỗi lời nói ra với con trẻ, trong đó ẩn chứa cảm xúc, cũng như thái độ của cha mẹ. Có người nói, ‘miệng’ của người mẹ có thể thể hiện ra sự tu dưỡng, người mẹ có tính cách như thế nào, thì sẽ dưỡng dạy nên những đứa con như thế.
Tôi đã từng xem một đoạn video ngắn quay ở Thái Lan, trong video có một cậu bé đang luyện tập bóng đá. Người mẹ đang đợi phía ngoài sân, nhìn thấy đứa con của mình thể hiện không được tốt, huấn luyện viên phản ánh rằng, đứa trẻ này mặc dù nỗ lực, nhưng nền tảng của nó không được tốt cho lắm. Về đến nhà, người mẹ tuy rất buồn, nhưng lại nói với đứa con trai như thế này:
“Hôm nay mẹ đã nói chuyện với thầy huấn luyện của con, thầy nói con đã luôn rất nỗ lực. Trước đây, con không bao giờ dùng đầu để đánh bóng, nhưng sau này con có thể dùng được rồi“.
“Mẹ không cần con phải đứng thứ nhất trong các cuộc thi, chỉ cần con cố gắng mỗi ngày, hy vọng mỗi ngày trôi qua, con sẽ trở nên tốt với so với ngày hôm qua. Chiến thắng vang dội nhất, chính là vượt qua nỗi sợ hãi và giới hạn của bản thân“.
Sau đó, người mẹ khích lệ đứa con trai cần nỗ lực và chăm chỉ hơn nữa. Đứa con trai nghe mẹ nói như vậy, trong lòng như được khích lệ và động viên, liền bỏ hộp sữa đang uống dở, sau đó chạy ra sân tiếp tục tập luyện.
Nhờ vậy, cậu bé ngày càng trở nên chăm chỉ và cố gắng, cuối cùng cậu cũng dần đạt được những mục tiêu trong đời.
Người mẹ càng nói nhiều lời động viên và khích lệ người con, chúng sẽ càng kiên định và có quyết tâm hơn. Người mẹ càng thấu hiểu, tán thưởng cho những cố gắng của con, chúng sẽ ngày càng trở nên tự tin.
Nhà giáo dục Liên Xô Suhomlinsky từng nói:
“Mỗi khoảnh khắc, khi bạn nhìn thấy con bạn, bạn cũng là đang nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cái, bạn cũng đang giáo dục chính mình và kiểm tra nhân cách của chính mình”.
Đối với người mẹ mà nói, việc giáo dục con cái, trên thực tế cũng là đang giáo dục chính bản thân mình.
Lời ăn tiếng nói của người mẹ có thể ảnh hưởng đến nhân phẩm, cuộc đời cũng như tính cách của con trẻ, thể hiện trí huệ và cốt cách làm người.
Cầu mong cho mỗi đứa trẻ, đều có thể hiểu được nỗi lòng của những người mẹ. Nguyện mong cho mỗi bà mẹ, đều có thể nói ra những lời yêu thương, động viên và khích lệ con trẻ, để chúng như được tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cũng như niềm tin, để tự tin bước về phía trước, đón nhận một tương lai tươi sáng.